Tới dự Lễ bế mạc có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn; Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải; Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương; cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành Thành phố và 30 quận, huyện, thị xã; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và STEM.
Phát biểu bế mạc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Ngày hội CNTT và STEM năm nay diễn ra trong hai ngày 4 và 5/5 đã thu hút 73 gian hàng của các trường học, doanh nghiệp, trưng bày hàng nghìn sản phẩm công nghệ STEM, phần mềm dạy học, với hơn 50.000 lượt giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia.
Phát động từ tháng 10/2023, Ngày hội cấp cơ sở đã để lại nhiều dấu ấn góp phần nâng cao chất lượng dạy, học. Đã có 40 cuộc hội thảo về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được tổ chức, thu hút gần 6.000 bài tham luận, ý kiến đóng góp; 4 hội thảo chuyên đề cấp thành phố ở 4 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên) với hơn 200 bài tham luận có giá trị và hàng trăm ý kiến đóng góp về giải pháp ứng dụng công nghệ…
Điểm nhấn đáng chú ý của Ngày hội là Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, bài giảng điện tử STEM và sản phẩm công nghệ thông tin đã nhận được gần 2.700 bài dự thi của gần 3.600 giáo viên, nhân viên các cấp học. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các bài giảng được thực hiện công phu, sáng tạo, đạt chuẩn công nghệ, đáp ứng nhu cầu tự học, thể hiện kỹ năng công nghệ thông tin và tâm huyết với nghề. Ban giám khảo đã chọn 10 bài giảng có chất lượng tốt nhất ở các cấp học trình diễn trong ngày hội cấp Thành phố.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đánh giá, qua Ngày hội lần này, thành công lớn mà ngành GD&ĐT Thủ đô nhận được đó là các bài giảng, phần mềm dạy học, kho học liệu trực tuyến đã cung cấp một nguồn tài nguyên phong phú, có chất lượng để phục vụ học sinh tự học mọi lúc, mọi nơi. Ngày hội đã góp phần gắn kết CNTT với các hoạt động quản lý và giảng dạy, học tập trong các nhà trường và cơ sở giáo dục; quy tụ được những nhân tố tiêu biểu nhất, những sản phẩm công nghệ hiệu quả nhất từ các nhà trường.
Cũng theo đồng chí Trần Thế Cương, thời gian tới, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, STEM, chuyển đổi số tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, nhất là người đứng đầu; xem đây là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; huy động mọi nguồn lực xã hội.
Toàn Ngành cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sử dụng chữ ký số trong giáo viên, nhân viên nhằm từng bước triển khai thành công học bạ số; tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống ôn tập và kiểm tra trực tuyến (Hanoi Study); phát triển kho học liệu số theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT, STEM và chuyển đổi số…
Vinh dự khi là một trong những đơn vị xuất sắc giành nhiều giải Nhất tại Ngày hội, Nhà giáo Đào Thị Hoa - Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên chia sẻ: Với 18 sản phẩm, trong đó có: 09 bài giảng E-Learning, 04 bài giảng STEM và 05 sản phẩm CNTT dự thi cấp thành phố, ngành GD&ĐT quận Long Biên đã "gặt hái" được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, giải Nhất trong công tác tổ chức Ngày hội (đứng thứ 1/50 quận huyện và các cụm trường THPT); giải Nhất gian trưng bày (tập thể); 04 giải Nhất kỹ năng giáo viên, nhân viên (cá nhân); 04 giải Nhất sản phẩm bài giảng (nhóm tác giả); 11 giải Nhì và Ba nhóm tác giả và cá nhân. Số lượng giải thuộc top đầu Thành phố.
“Những kết quả nổi bật nêu trên sẽ là động lực mạnh mẽ để ngành GD&ĐT quận Long Biên tiếp tục cố gắng để khẳng định vị thế đi đầu trong công tác chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT của Thủ đô trong thời gian tới”, Nhà giáo Đào Thị Hoa nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 19/1, ngành GD&ĐT quận Long Biên đã tổ chức Ngày hội CNTT và STEM cấp quận với chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi số và giáo dục STEM theo định hướng giáo dục thông minh” cấp quận thu hút 93 trường mầm non, tiểu học, trung học sở sở tham gia với 09 gian hàng trưng bày sản phẩm. Ban Tổ chức đã nhận được với 276 sản phẩm CNTT của các tác giả, nhóm tác giả và 166 giáo viên, nhân viên. Đây là dịp để các đơn vị, trường học giới thiệu các sản phẩm, giải pháp CNTT tiêu biểu trong lĩnh vực chuyển đổi số, đã ứng dụng thành công trong quản lý và giảng dạy, tạo môi trường và cơ hội giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới về ứng dụng công nghệ thông tin…