Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thường niên được Sở GD&ĐT tổ chức nhằm đánh giá, công nhận và suy tôn các thầy, cô giáo dạy giỏi trong các nhà trường. Đồng thời, đây là dịp để giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp trong thành phố giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, khai thác sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng đổi mới.
Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm nay thực sự là cuộc so tài của đội ngũ Giáo viên giỏi, tâm huyết, say sưa với nghề, thể hiện qua sự đầu tư cho từng bài giảng. Đồng thời cũng là dịp để giáo viên các nhà trường bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn. Những bài giảng tham gia Hội thi là những đóng góp rất thiết thực cho việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học đối với bậc THCS - một bậc học có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và cung cấp tri thức cho học sinh.
Đến từ trường THCS Đức Giang, cô giáo Phạm lan Anh lựa chọn tiết Ngữ văn 6: Cây tre Việt Nam. Trong giờ học, giáo viên đã khai thác hiệu quả bảng tương tác thông minh, các giáo cụ trực quan sinh động tạo nên những hiệu quả dạy học tích cực giúp học sinh đi sâu khám phá thế giới nghệ thuật của văn bản đồng thời có sự liên hệ gần gũi với thực tiễn cuộc sống làm rõ mối quan hệ giữa cây tre với con người Việt Nam.
Cô giáo Đinh Thị Huế, trường THCS Gia Thụy với bài thơ Lượm trong chương tình Ngữ văn 6 lại đem đến một phương pháp tiếp cận nội dung bài học mới. Vẻ đẹp nghệ thuật của văn bản được giáo viên dẫn dắt học sinh tìm hiểu và hệ thống kiến thức thành sơ đồ. Sự sáng tạo này đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Chiên đến từ trường THCS Sài Đồng đã thực hiện bài thi môn GDCD 9: Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Qua bài dạy, giáo viên đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu các nội dung bảo vệ tổ quốc và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Trong quá trình tổ chức hoạt động nhận thức, giáo viên đã khéo léo lồng ghép kiến thức thực tế và mở rộng kiến thức cho học sinh về quyền và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc cảu công dân - học sinh, giáo dục và bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước sâu sắc. Nhờ vậy, tiết dạy của cô trở nên sinh động và hấp dẫn và mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Đến từ trường THCS Ngọc Lâm, môn GDCD 7, thầy giáo Đặng Sỹ Đức hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Giáo viên đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin kết hợp đồ dùng trực quan, hệ thống bài tập liên hệ thực tế. Qua đó, học sinh nắm được những nội dung cơ bản của việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và bước đầu có những liên hệ thực tế về quyền và nghĩa vụ học sinh trong thực hiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở môn Lịch sử 7, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, giáo viên trường THCS Ái Mộ thực hiện tiết dạy: Quang Trung xây dựng đất nước. Tiết học mở đầu ấn tượng với phần gợi mở của giáo viên về người anh hùng áo vải cờ đào. Trong tiết dạy, giáo viên đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu những kiến thức lịch sử về những chính sách của vua Quang Trung nhằm phục hồi kinh tế, xây dựng văn hóa dân tộc và các chính sách quốc phòng, ngoại giao. Qua đó, giáo viên giúp học sinh nhận thức về vai trò lãnh đạo, những tư tưởng tiến bộ và vai trò của vua Quang Trung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước vào nửa cuối thế kỷ XVIII.
Cô giáo Nguyễn Thị Tơ, trường THCS Ngọc Thụy dự thi môn Lịch sử 8: Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và những chuyển biến về kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Trong suốt giờ học, học sinh tham gia học tập rất tích cực, sôi nổi, định hướng phát triển năng lực cho học sinh được chú trọng tối đa. Giáo viên đã tổ chức các hoạt động tích cực giúp học sinh bộc lộ những kiến thức lịch sử về chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897-1914) về kinh tế, văn hóa, giáo dục; những tác động tới kinh tế Việt Nam cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX
Kết thúc các tiết dạy, Ban giám khảo đã có những nhận xét, góp ý rất khách quan, chân thành, đánh giá cao phần thi của các thầy giáo, cô giáo cả về kiến thức, sự đầu tư chuẩn bị nghiêm túc, công phu đến kỹ năng, phương pháp trong giảng dạy. Với những đánh giá tích cực đó của Ban giám khảo, chúng ta hi vọng năm học 2017-2018, quận Long Biên tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố. Kết quả dự thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS sẽ được công bố ở Hội nghị tổng kết trong thời gian tới.
Sau khi tham gia Hội thi, Phòng GD&ĐT Long Biên tổ chức các chuyên đề phổ biến tiết dạy dự thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố. Giáo viên các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, GDCD sẽ tham dự, giao lưu, trao đổi và học tập qua các chuyên đề.
Một số hình ảnh của Hội thi:
![Nhấn vào ảnh để phóng to](/UploadImages/pgdlongbien/admin/2018_3/sd_12320188.jpg?w=900)
![Nhấn vào ảnh để phóng to](/UploadImages/pgdlongbien/admin/2018_3/dg_12320188.jpg?w=900)